Friday, March 15, 2013

Nhắn tin SMS để mua được hàng thật!

Tem SMS được công ty Xác thực mã hàng hoá Việt Nam (VNPV) cung cấp. 
Tối 12.3 tại một quán nhậu trên đường Nguyễn Thị Định (Thanh Xuân, Hà Nội), anh phục vụ cửa hàng vừa đặt chai rượu xuống bàn, tôi liền ngỏ ý đổi sang loại khác cho “nhẹ độ” thì anh bạn hỏi: Sợ hàng giả à? Anh rút điện thoại, nhập một dãy số của chiếc tem dán trên nắp chai (như là dãy số của thẻ cào điện thoại) và nhắn đi. Hơn mười giây sau, tin nhắn từ số 1127 báo về “Đây là sản phẩm Vodka Men chính hãng” kèm theo đó là số điện thoại tổng đài hỗ trợ 0974…. Thấy tôi chưa tin, anh giải thích thêm rằng đây là tổng đài (số 1127) có liên quan đến ban chỉ đạo 127 Trung ương về chống hàng giả nên “không thể đùa được”. Anh cũng nói thêm rằng, anh được tư vấn “dùng đồ có tem SMS” trong một lần đi mua mỹ phẩm để tặng vợ. Theo đó, nhà phân phối hàng mỹ phẩm chính hãng từ Nhật Bản đã khuyên anh nhắn tin đến tổng đài này đã được xác thực là hàng đúng xuất xứ hay là hàng không rõ nguồn gốc.
Lần theo số điện thoại hỗ trợ ghi trên tem, chúng tôi được biết đây là tem SMS được công ty Xác thực mã hàng hoá Việt Nam (VNPV) cung cấp trong một đề án thí điểm “dịch vụ xác thực nguồn gốc hàng hoá tức thời qua mạng viễn thông” của ban chỉ đạo 127 Trung ương phối hợp với một đơn vị thuộc ban cơ yếu chính phủ thực hiện.
Bà Nguyễn Phương Thuý, giám đốc VNPV cho hay, chủ trương dùng tem SMS để xác thực nguồn gốc hàng hoá được Thủ tướng đồng ý về chủ trương từ năm 2009 và bắt đầu thí điểm từ cuối 2011 nhưng đến nay mới bắt đầu áp dụng rộng rãi. “Đã có khoảng 20 doanh nghiệp với khoảng 7 triệu sản phẩm dán tem xác thực nguồn gốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài lại là đơn vị hưởng ứng đầu tiên và tỏ ra quan tâm hơn doanh nghiệp trong nước, nhất là các sản phẩm có thương hiệu quốc tế hoặc doanh nghiệp có có sản phẩm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ như mỹ phẩm, thức ăn dinh dưỡng, đồ uống, ví dụ mỹ phẩm Shiseido, bình nóng lạnh Ariston”, bà Thuý cho biết. Theo bà Thuý, trong số 7 triệu tem đã được kích hoạt (tức dán trên sản phẩm đã tung ra thị trường) thì đã có 15% phản hồi (tương đương với khoảng 1 triệu tin nhắn xác thực gửi về), chứng tỏ mức độ quan tâm của khách hàng với loại hình này. “Nhất là khi mặt hàng nào đó đang nóng về chất lượng. Ví dụ sau vụ mấy nổ bình gas chết người năm ngoái thì các sản phẩm về gas có dán tem này của Petrolimex đã được người tiêu dùng xác thực nguồn gốc”, bà Thuý nói.
Tem xác thực của VNPV là chiếc tem nhỏ có kích thước trung bình khoảng 3 – 4cm x 2 – 3cm. Trong đó dưới mỗi lớp phủ màu bạc là một mã code, được mã hoá tương ứng với mã số của sản phẩm của một nhà sản xuất. Khi nhà sản xuất dán tem này lên sản phẩm, người tiêu dùng sẽ cào mã số gửi về tổng đài 1127 để xin xác thực là sản phẩm chính hãng hay không. Khi tổng đài 1127 phản hồi có câu “Đây là sản phẩm chính hãng” thì khách hàng có thể yên tâm là đã không mua phải hàng giả. Đại diện của VNPV cho hay, chỉ khi doanh nghiệp thông báo đã dán tem này lên sản phẩm và tung ra thị trường thì tem mới được kích hoạt, nên cả trong trường hợp doanh nghiệp đánh mất thì cũng không lo bị dán lên sản phẩm khác, cũng như tem giả sẽ không được hệ thống xác nhận.
Tuy vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, hạn chế của tem SMS là trong trường hợp tem đã được hành khách cào, xác thực song sau đó không mua sản phẩm và khách hàng đến sau vẫn gửi (mã code) về tổng đài để kiểm tra thì trả lời của tổng đài chỉ dừng lại ở mức “Mã này đã được số thuê bao khác xác nhận” – chứ không khẳng định sản phẩm đó là hàng giả hay hàng thật. “Trong trường hợp này, trên tem đã có số điện thoại hỗ trợ của nhà sản xuất và số series để khách hàng kiểm tra thêm” – đại diện của một nhãn hàng có dán tem SMS lý giải. Ngoài ra, dù nhiều doanh nghiệp dán tem nói rằng khách chỉ phải bỏ ra từ 500 – 1.000 đồng/tin nhắn là “không đáng kể”, nhưng đại diện VNPV cũng thừa nhận cước phí như thế là vẫn cao và thiệt thòi cho người tiêu dùng. Trên thực tế, đã có nhiều tin nhắn của khách hàng phản hồi về các doanh nghiệp dán tem: “Sao cước tin nhắn đắt thế”? “Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục kiến nghị Nhà nước hỗ trợ phần kinh phí nhắn tin hoặc hạ thấp nữa để khuyến khích người tiêu dùng” – đại diện VNPV cho biết.
Thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, dù đề án “Dịch vụ xác thực nguồn gốc hàng hoá tức thời qua mạng viễn thông” vẫn trong giai đoạn thí điểm nhưng đã tỏ ra rất hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. “Đây là giải pháp có tính kỹ thuật, giúp bảo vệ được cả nhà sản xuất, phân phối chân chính, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng tự mình kiểm tra, nhận biết nguồn gốc hàng hoá; đồng thời cũng hỗ trợ cơ quan chức năng trong xác minh, xử lý nhanh và chính xác với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả”, thứ trưởng Cẩm Tú đánh giá.
theo Yahoo News

No comments:

Post a Comment